VẺ ĐẸP DỆT CHIẾU UZU: BỨC TRANH SẮC MÀU TRONG TỪNG SỢI TƠ
Dù mới phát triển hơn 10 năm gần đây, nghề dệt chiếu Uzu đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự đổi mới của nghề dệt chiếu truyền thống tại vùng đất Tân Châu.
Dệt chiếu có 2 nguyên liệu chính để sản xuất. Loại thứ nhất dệt nên từ loại cây mang tên Uzu – được nhập từ Campuchia, có ưu điểm là bóng, đẹp, ít bị mốc và nguyễn. Tuy nhiên, khó khăn của làng nghề này là nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước bạn. Do đó, ngoài việc dệt chiếu từ cây uzu, các xưởng dệt cũng sử dụng nguyên liệu cây lát truyền thống của Việt Nam – hay còn được gọi là cối, được cung cấp từ các tỉnh như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, không được đẹp như Uzu, nhưng độ bền tương đương.
Để sản xuất chiếu từ cây Uzu, cần qua nhiều công đoạn như: lựa chọn cây Uzu, nhuộm màu, phơi nắng, dệt, xông khói, phơi một ngày, vệ sinh kỹ càng và ép thành phẩm. Mỗi công đoạn đều phải được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận dưới bàn tay của những người thợ lành nghề để tạo ra những chiếc chiếu hoàn hảo. Trước đây, chỉ có dệt thủ công, mỗi ngày hai thợ với một khung dệt tay làm được khoảng ba chiếc chiếu. Nhưng giờ đây, nhờ có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, công việc dệt chiếu giờ đây trở nên dễ dàng hơn, nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm lên nhiều lần so với trước đây.
Với những họa tiết truyền thống, những câu chuyện văn hóa được gói gọn trong từng đường nét, chiếc chiếu Uzu không chỉ là vật trang trí mà còn là nguồn cảm hứng và ý nghĩa sâu sắc. Đây là cách để những giá trị văn hóa của dân tộc được truyền bá và gìn giữ qua thời gian.
Trung bình mỗi cơ sở tại thị xã Tân Châu sản xuất được khoảng 200 chiếc chiếu/ngày, với giá bán từ 80.000 đến 120.000 VNĐ/chiếc, còn những chiếu cao cấp có giá khoảng 200.000 – 300.000 VNĐ. Bên cạnh đó, các cơ sở còn sản xuất thêm những mặt hàng thủ công được làm từ nguyên liệu cây Uzu như: ấm trải bàn, túi, giỏ, cặp, dây lưng để bán tại các hội chợ và triển lãm, nhằm thu hút thị trường du lịch.
Nghề dệt chiếu truyền thống từ cây Uzu tại thị xã Tân Châu đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ. Đồng thời đây cũng là mô hình sản xuất gắn với du lịch, thu hút du khách đến mua sắm, tham quan và trải nghiệm làng nghề. Đây được coi là một hướng đi mới để phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ đất nước hội nhập.