SỰ TINH TẾ TRONG NGHỀ DỆT THỔ CẨM CHÂU PHONG Ở TÂN CHÂU
Làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong nằm ở Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Làng còn được biết đến với các tên gọi khác như làng Thổ cẩm Phũm Soài hoặc làng dệt thổ cẩm Châu Giang. Và như tên gọi, đây là một nghề truyền thống đã tồn tại hàng thế kỷ của người Chăm ở Tân Châu.
Nghề dệt thổ cẩm Châu Phong bắt đầu từ khoảng những năm đầu của thế kỉ XIX, hình ảnh khung dệt đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, trở thành nguồn cảm hứng và niềm tự hào của mỗi phụ nữ Chăm. Tại Phũm Soài, nhiều thợ dệt trẻ tuổi đã trở thành nghệ nhân sau hơn 20 năm gắn bó với nghề, dù tuổi đời chỉ mới trên 30. Với người Chăm, nghề dệt không chỉ là nghề nghiệp mà còn là một văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác như một món quà quý giá.
Nguyên liệu sử dụng trong quá trình dệt bao gồm tơ sợi và các loại nhuộm tự nhiên tạo nên gam màu độc đáo và bền vững trên các sản phẩm, mang nét đặc trưng riêng. Thổ cẩm Châu Giang – sản phẩm được dệt nên theo phong cách Malaysia và thường xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân, chẳng hạn như trang phục của phụ nữ với váy, áo, khăn đội đầu hay xà rông cho nam giới. Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, người Chăm đã tạo ra những tác phẩm đẹp và sang trọng với đa dạng màu sắc óng ánh. Mỗi hoa văn được thêu trên các tác phẩm đều kết hợp sự sáng tạo từ truyền thống đến hiện đại, làm tăng thêm giá trị cho nghề dệt trong cộng đồng này.
Khung dệt có 2 loại là dệt xà rông và dệt thổ cẩm, gồm có các bộ phận chính: khung dệt, go, trục quấn sợi, bàn dập, thoi, văng, trục quấn vải. Tùy theo từng loại dệt mà số lượng go trên khung nhiều hay ít. Thông thường, khung dệt xà rông hoặc khăn choàng chỉ cần 4 bàn go, trong khi đó khung dệt thổ cẩm yêu cầu từ 8 đến 10 bàn go.
Không giống như phong cách Ikat, dệt xà rông và dệt thổ cẩm mang điểm nhấn đặc sắc trong kỹ thuật dệt của người Chăm – làm cho hoa văn nổi lên giữa nền vải và đường chỉ ngang mà không bị che khuất giữa các màu. Độ phức tạp của hoa văn trên vải sẽ tăng dần theo số lượng go, và ngược lại. Ví dụ, để tạo ra hoa văn dạng bông dâu, cần 12 khung go; hoa văn dạng mắt xích, cần 10 khung go; hoa văn dạng mắc võng, cần 9 khung go; còn hoa văn con thoi, cánh quạt, cần 8 khung go. Có thể nói, việc tạo hoa văn trên vải thổ cẩm là cả một nghệ thuật, yêu cầu người thợ phải có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật cao để thực hiện.
Điểm độc đáo trong kỹ thuật nhuộm màu tơ vải truyền thống của người Chăm là những gam màu sặc sỡ được lấy từ thiên nhiên như: mủ cây (klek), vỏ cây (pahud), trái mặc nưa… Vì thế mà các tơ vải không bị phai màu khi sử dụng lâu, mà thậm chí còn trở nên bóng hơn.
Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, các cơ sở còn sản xuất thêm túi xách, ba lô, nón, móc khóa… Đây là những mặt hàng được du khách ưa chuộng, đặc biệt là du khách nước ngoài khi mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch tham quan làng nghề. Giá của các sản phẩm này khá phải chăng, dao động từ 20.000 đến 200.000 đồng mỗi sản phẩm.
Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm của cộng đồng Chăm ở xã Châu Phong vẫn được nuôi dưỡng và phát triển nhờ vào sự kế thừa và bảo tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngoài ra, việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định và phát triển kinh tế cho địa phương.
Vào năm ngoái, “Nghề dệt thổ cẩm người Chăm xã Châu Phong” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với những giá trị và ý nghĩa sâu sắc, nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm tăng vẻ đẹp và sức sống của làng Chăm Châu Phong mà còn làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của Việt Nam.